Hợp tác đầu tư Việt Nam – Bắc Úc cần tầm nhìn dài hơi

Bà Nguyễn Thanh Hà, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Bắc Úc cho rằng việc giao lưu, đầu tư trong thời gian tới giữa Bắc Úc và doanh nghiệp Việt cần có tầm nhìn dài hơi. Các doanh nghiệp cần có đại diện ở nước ngoài để có thể hỗ trợ tìm kiếm đối tác phù hợp hơn.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: Việt Nam và Australia đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ cách đây hơn 50 năm.

Hội thảo “Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc” là bước đi tiếp theo nhằm thúc đẩy triển khai Kế hoạch hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Bắc Úc. Ảnh Trọng Hiếu
Hội thảo “Hợp tác Đầu tư Việt Nam – Bắc Úc” là bước đi tiếp theo nhằm thúc đẩy triển khai Kế hoạch hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Bắc Úc. Ảnh Trọng Hiếu

Từ năm 2009, mối quan hệ giữa hai nước được nâng lên tầm đối tác toàn diện, từ năm 2018 là Đối tác Chiến lược và mới đây ngày 7/3/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai nước đã nâng cấp thành quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.

Đây là cột mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tạo tiền đề thúc đẩy quan hệ kinh tế đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Australia.

Nhìn lại thập kỷ qua, có thể thấy quan hệ kinh tế giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch thương mại đã tăng gấp đôi đạt mức 13,8 tỷ USD trong năm 2023.

Đến nay, Australia đã có 631 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,04 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư sang Australia 94 dự án với tổng vốn đăng ký 584 triệu USD trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Vùng Lãnh thổ Bắc Úc là bang có diện tích đứng thứ ba và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Liên bang Úc với khu vực Châu Á Thái Bình Dương và ASEAN – nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh, cũng như sự tương đồng và tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam, nhưng chưa được hai phía đánh giá đúng mực và khai thác một cách hiệu quả.

Kết quả các chuyến thăm và khảo sát tại Bắc Úc của lãnh đạo VAFIE và Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc cho thấy tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Úc là rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực như:

– Giáo dục và đào tạo nghề nhằm xuất khẩu lao động Việt Nam có tay nghề cao sang Bắc Úc;

– Nông nghiệp, nhất là chăn nuôi và chế biến thịt;

– Logistics, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng.

– Phát triển các dự án năng lượng mặt trời…

Chính quyền Bắc Úc ủng hộ và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại giữa doanh nghiệp hai bên.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh Trọng Hiếu
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh Trọng Hiếu

Nắm bắt các cơ hội nói trên, từ tháng 9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc (NTVBC) đã ký kết một Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược để cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ giao thương và hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Bắc Úc.

Trong khuôn khổ thoả thuận nói trên, VAFIE và Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc đã phối hợp triển khai một số hoạt động cụ thể như: Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chương trình Hợp tác Việt Nam – Bắc Úc; tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm để giới thiệu về tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Bắc Úc; tổ chức một số chuyến thăm Bắc Úc của lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, do một số lý do, trong đó có ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc triển khai các dự án hợp tác Việt Nam – Bắc Úc chậm so với dự kiến.

Hội thảo “Hợp tác Đầu tư Việt Nam – Bắc Úc” được tổ chức hôm nay, tại Hà Nội là bước đi tiếp theo nhằm thúc đẩy triển khai Kế hoạch hợp tác nói trên.

Với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, Uỷ ban Người Việt ở nước ngoài, Tổng cục dạy nghề Việt Nam, đại diện các cơ quan chức năng của chính quyền Bắc Úc và cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Úc, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp…, hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận sâu về tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư cụ thể giữa Việt Nam và Bắc Úc; những thuận lợi và thách thức; đề xuất các giải pháp nhằm hiện thực hóa các dự án hợp tác đầu tư giữa Việt Nam – Bắc Úc trong các lĩnh vực.

Tại hội thảo này đại diện lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài sẽ giới thiệu về luật pháp chính sách và quy trình, thủ tục đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Từ đầu cầu Bắc Úc, đại diện các cơ quan chức năng của Bắc Úc và cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Úc sẽ chia sẻ với chúng ta về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Bắc Úc, cũng như về tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai bên.

THÚC ĐẨY HỢP TÁC ĐẦU TƯ VIỆT NAM – BẮC ÚC

Phát biểu chào mừng, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: Ngày 26/2/1973, Việt Nam và Australia đã thiết lập quan hệ ngoại giao.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh: Trọng Hiếu.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh: Trọng Hiếu.

Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước về du lịch, kinh doanh, giáo dục không ngừng phát triển. Hiện có khoảng 300 nghìn người gốc Việt sống ở Australia và tiếng Việt là ngôn ngữ được nói nhiều thứ năm ở Australia.

Nhiều người Úc đã đến Việt Nam để du lịch, có những người đến sống ở Việt Nam để xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước hoặc đã di cư đến Việt Nam với gia đình của họ.

Việt Nam và Australia đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2009 và nâng lên quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2018.

Ngày 5/11/2020, Chính phủ hai nước đã nhất trí Kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược trong giai đoạn 2020-2023. Ngày 7/3/2024, hai nước đã nâng cấp thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Theo báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC “Vietnam at a glance: Việt Nam và Australia sẵn sàng một giai đoạn mới” thì kim ngạch thương mại giữa hai nước đã bùng nổ trong một thập niên vừa qua, tăng hơn gấp đôi lên 13,8 tỷ USD trong năm 2023.

Đầu năm 2022, lãnh đạo VAFIE đã làm việc với Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng để kiến nghị về đưa quan hệ Việt Nam – Bắc Úc vào Kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước; được Bộ trưởng đồng tình và đã đưa vào Chiến lược hành động chung.

VAFIE và Tập đoàn VABIS đã xây dựng và ban hành “Chiến lược hợp tác Việt Nam – Bắc Úc”.

Hội thảo được kết nối với giữa Việt Nam với Bắc Úc, theo hình thức hội thảo trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Trọng Hiếu.
Hội thảo được kết nối với giữa Việt Nam với Bắc Úc, theo hình thức hội thảo trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tháng 6 năm 2022, đoàn lãnh đạo của VAFIE đã thăm Bắc Úc, cùng với Đại sứ Việt Nam tại Úc Nguyễn Tất Thành đã gặp Thống đốc Vicki O’Halloran, Thủ hiến Natasha Fyles, Lãnh đạo đối lập Lia Finocchiaro, quyền Chủ tịch Hạ viện Mark Monaghan, Thị trưởng Darwin Kon Vatskalis; có các cuộc làm việc với Cao ủy về đầu tư Andrew Cowan, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Gina Cassimatis, Giám đốc Cơ quan Di trú Pompea Sweet và CEO của Bộ Công nghiệp – Du lịch – Thương mại Shaun Drabsch cùng một số quan chức phụ trách các lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng, năng lượng, giáo dục, du lịch.

Tháng 9/2022 Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Ngọc Mỹ đã hướng dẫn Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và đoàn đại biểu Ủy ban Dân tộc thăm và làm việc tại Bắc Úc, ký thỏa thuân hợp tác giữa một số tỉnh miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với Cộng đồng thổ dân Bắc Úc.

VAFIE đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm, tổ chức chuyến thăm Bắc Úc của lãnh đạo một số doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy vậy, việc triển khai kế hoạch hành động chậm so với dự kiến, nên đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt về thương mại, du lịch, đầu tư và giáo dục.

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp, cơ quan báo chí đã tham dự hội thảo. Ảnh Trọng Hiếu
Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp, cơ quan báo chí đã tham dự hội thảo. Ảnh Trọng Hiếu

Vì vậy, cuộc hội thảo hôm nay không chỉ nhắc lại mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện, mà quan trọng hơn là tìm giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy quá trình hợp tác giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Bắc Úc, cũng như doanh nghiệp Australia nói chung vì lợi ích của doanh nghiệp và dân tộc Việt Nam, góp phần phát triển quan hệ toàn diện giữa hai nước theo định hướng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.

QUY TRÌNH THỦ TỤC ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

Giới thiệu về quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết quan hệ hợp tác Việt Nam – Úc hiện nay đã nâng lên tầm cao mới, trở thành quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện.

Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh Trọng Hiếu
Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh Trọng Hiếu

Số liệu thương mại năm 2023 giữa 2 bên đã vượt mức 15,7 tỷ USD và đang hướng tới 20 tỷ USD thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hợp tác chặt chẽ với đối tác Úc để triển khai chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế, thường xuyên có các hợp động phối hợp thúc đẩy đầu tư giữa 2 nước.

Bộ đã lập sáng kiến doanh nghiệp tiên phong, phối hợp Bộ thương mại Úc chọn ra doanh nghiệp tiên phong trong hợp tác đầu tư giữa 2 nước (gồm 10 doanh nghiệp Việt và 10 doanh nghiệp Úc).

“Hiện nay, rất nhiều cơ quan, Chính phủ cũng như các chính quyền địa phương Úc muốn tiếp nhận đầu tư từ Việt Nam, đặc biệt là Bắc Úc”, ông Chung nói.

Về quy trình thủ tục đầu tư ra nước ngoài, ông Chung cho biết Bộ Kế hoạch và đầu tư đã nhiều lần trình Quốc hội thay đổi phương thức để phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Song, trong bối cảnh đất nước đang phát triển, cần giữ nguồn lực đầu tư trong nước nên quy trình đầu tư ra nước ngoài vẫn cần chặt chẽ.

Các văn bản hướng dẫn đầu tư ra nước ngoài gồm Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 (Chương V và Điều 73); Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Chương VI); Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định mẫu văn bản, bảo cáo liên quan đến đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư và Thông tư sửa đổi bổ sung số 25/2023/TT-BKHĐT ngày 31/12/2023; Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; Các pháp luật khác về lao động, thuế; Các pháp luật chuyên ngành: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán (có điều kiện đầu tư ra nước ngoài).

Nhìn chung, Việt Nam mở đầu tư ra nước ngoài cho hầu hết ngành nghề, trừ 6 ngành nghề cấm và 4 ngành nghề hạn chế đầu tư.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh Trọng Hiếu
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh Trọng Hiếu

Đầu tư ra nước ngoài còn chịu ảnh hưởng của quy định ngoại hối như Thông tư 12/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 và Thông tư 36/2018/TT-NHNN ngày 25/12/2018. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay Luật Đầu tư 2020 có quy định mở hơn cho vấn đề ngoại hối.

Trước đây doanh nghiệp không được phép chuyển tiền trước khi được cấp giấy chứng nhận, hiện nay đã được phép chuyển một phần tiền tối đa 300.000 USD và không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư.

Về hình thức, luật mở ra nhiều hình thức như thành lập tổ chức kinh tế ở nước ngoài, mở hợp đồng kinh tế (bao gồm tất cả các loại hợp đồng), góp vốn, mua cổ phần vốn góp, mua bán giấy tờ có giá hoặc… và các hình thức khác theo quy định.

Với quy trình đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký ra nước ngoài, vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng trở lên cần Quốc hội chấp thuận, từ 800 tỷ đồng là Thủ tướng, dưới 800 tỷ đồng là thuộc thẩm quyền Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quy trình hồ sơ rõ ràng với thời hạn xem xét 15 ngày.

Bộ đã mẫu hóa tất cả hồ sơ, riêng dự án dưới 20 tỷ đồng có thể thực hiện trực tuyến. Điều kiện để cấp giấy chứng nhận phù hợp với nguyên tắc theo luật, không thuộc ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài, có cam kết tự thu xếp ngoại tệ, có quyết định đầu tư ra nước ngoài của chính doanh nghiệp, có văn bản xác nhận không nợ thuế của cơ quan thuế.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp mở tài khoản đăng ký với NHNN để thực hiện chuyển vốn ra và nhận vốn vào trong quá trình đầu tư. NHNN sẽ giám sát dòng vốn này.

Ông Chung lưu ý sự hợp tác, gắn kết giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp rất quan trọng, doanh nghiệp cần liên hệ thường xuyên với cơ quan nhà nước trong nước cũng như ở nước ngoài để được hỗ trợ.

CÁC LĨNH VỰC HỢP TÁC ĐẦU TƯ ƯU TIÊN TRONG 2024

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc (NTVBC) cho biết Bắc Úc là bang có diện tích lớn thứ 3 và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Australia với khu vực châu Á Thái Bình Dương và ASEAN, là nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh, cũng như sự tương đồng và tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam, nhưng chưa được 2 phía đánh giá đúng mực và khai thác đúng tầm.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc (NTVBC). Ảnh Trọng Hiếu
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc (NTVBC). Ảnh Trọng Hiếu

Bắc Úc rất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, di sản văn hóa người bản địa, nhiều khu bảo tồn nhiên hùng vĩ…

GDP trên đầu người của Bắc Úc thuộc hàng cao nhất Australia. Bắc Úc có diện tích gấp 4 lần Việt Nam nhưng dân số chỉ vào khoảng 1/4 triệu người.

Năm 2013, nhận lời mời của ông Lê Việt Duyên, Tổng Lãnh sự Việt Nam phụ trách Bắc Úc, trong chuyến thăm và làm việc với chính quyền Bắc Úc, trên cơ sở phân tích thế mạnh và sự hạn chế giữa Việt Nam và Bắc Úc, tôi đã nhận ra cơ hội và tiềm năng cực kỳ to lớn để hợp tác đầu tư và phát triển giữa hai bên.

Kể từ năm 2014, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc (NTVBC), tôi đã thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Úc, đóng vai trò là cầu nối tổ chức nhiều đoàn cho nhiều cơ quan từ Trung ương, cho đến các tỉnh thành của Việt Nam và các doanh nghiệp đến tham quan, nghiên cứu môi trường và cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Bắc Úc.

Năm 2019, với sự ủng hộ của GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, một thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VAFIE và NTVBC đã được ký kết, tạo điều kiện cho sự phối kết hợp nguồn lực của hai phía, nghiên cứu tổng hợp các văn kiện, tài liệu, chủ trương và đường lối chính sách của Việt Nam và Australia nói chung, và Bắc Úc nói riêng.

Thỏa thuận này đặc biệt tập trung vào phân tích và nghiên cứu các báo cáo, chiến lược và chính sách phát triển của Bắc Úc. Từ đó hình thành nên hồ sơ chiến lược giao thương và hợp tác đầu tư Việt Nam – Bắc Úc vào giữa năm 2021, và vẫn sẽ được cập nhật thêm hàng năm khi có những báo cáo và chính sách mới.

Chiến lược hợp tác đầu tư Việt Nam – Bắc Úc là một sáng kiến cụ thể hóa ở cấp độ địa phương và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia đã được Chính phủ hai nước công bố ngày 21/12/2021.

Trên cơ sở phân tích SWOT, so sánh thế mạnh, hạn chế, thách thức và cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư cho doanh nghiệp giữa Việt Nam và Bắc Úc, chúng tôi đã đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư như: Vật liệu xây dựng, prefab, modular: Tận dụng lợi thế giá nhân công phổ thông khá thấp để sản xuất tại Việt Nam một số vật liệu xây dựng theo kiểu tiền chế (prefab), mô hình lắp ráp (modular)… có nhu cầu cao tại thị trường xây dựng Bắc Úc để xuất khẩu; tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào về trâu, bò nuôi thả tự nhiên tại Bắc Úc để hợp tác đầu tư lò mổ và xẻ khối cấp đông nhập khẩu về Việt Nam, sau đó gia công chế biến và tiêu thụ tại Việt Nam và các nước lân cận; Hợp tác trao đổi tour du lịch kết hợp khảo sát thị trường và kết hợp kinh doanh cho doanh nghiệp 2 bên; Hợp tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động tay nghề cao sang Bắc Úc.

Rút kinh nghiệm từ nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài đã chưa được thành công như ý muốn, Chiến lược hợp tác đầu tư Việt Nam – Bắc Úc đề ra phương pháp tiếp cận với mô hình thí điểm hợp tác đầu tư theo chuỗi cung ứng, có nhiều đối tác tham gia vào những mắt xích tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín, đảm bảo tính bền vững của dự án đầu tư, tránh rủi ro đứt gãy nguồn cung ứng.

Chiến lược cũng nhấn mạnh đến việc phối kết hợp và tận dụng thế mạnh nguồn lực Việt kiều ở Bắc Úc nói riêng và Australia nói chung để tham gia vào các chuỗi cung ứng.

Tôi xin đề xuất một số các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư trong năm 2024 như: Giáo dục và đào tạo nghề; Thịt đỏ (trâu, bò, lạc đà, cừu, kangaroo…) hợp tác với Tập đoàn CAG của Australia; Trung tâm trưng bày và phân phối sản phẩm Việt Nam tại Darwin như: Vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng thực phẩm đóng gói; thủ công mỹ nghệ; Du lịch đánh golf, săn bắn, câu cá, đua ngựa; Logistics, hợp tác với Vietjet mở đường bay thẳng Việt Nam – Darwin; hoặc thuê bao nguyên chiếc, 20 chuyến bay khứ hồi Việt Nam – Darwin, mỗi tuần một chuyến.

Còn đối với điện mặt trời, doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp vật tư, nguyên liệu, thi công lắp đặt solar farm tại Bắc Úc

Với mục tiêu Netzero vào năm 2050, Bắc Úc đã và đang triển khai rất nhiều dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Một trong những dự án mang tầm châu lục là dự án Australia Asia Power Link (AAPL), với tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD, tạo 1.500 việc làm trực tiếp.

THỊ TRƯỜNG ĐẶC BIỆT ĐỂ THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

Ông Brian O’Gallagher, Ủy viên Hội đồng TP. Darwin, Cố vấn Ban Giám hiệu Trường nghề cao đẳng quốc tế – ICAE: Đối với Bắc Úc, Việt Nam được đánh giá là thị trường đặc biệt trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại.

Ông cho biết: Kể từ khi rời Chính phủ từ năm 2014, tôi đã trở thành Giám đốc Phòng Thương mại để thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư. Tôi hiện cũng là Giám đốc phụ trách về đào tạo và hợp tác quốc tế của trường ICAE – tập trung giáo dục các lĩnh vực quản lý du lịch, khách sạn, đào tạo nghề, các kỹ thuật trị liệu.

Ông Brian O’Gallagher, Ủy viên Hội đồng TP. Darwin, Cố vấn Ban Giám hiệu Trường nghề cao đẳng quốc tế - ICAE phát biểu trực tuyến. Ảnh: Trọng Hiếu.
Ông Brian O’Gallagher, Ủy viên Hội đồng TP. Darwin, Cố vấn Ban Giám hiệu Trường nghề cao đẳng quốc tế – ICAE phát biểu trực tuyến. Ảnh: Trọng Hiếu.

Có thể thấy, chúng tôi cũng tập trung các nghề thực sự có nhu cầu lớn cho các học viên, kể cả người Việt Nam. Bắc Úc có dân số khá ít, trong đó người Việt Nam có khoảng 260.000 người.

Thực ra, đây là khu vực chiếm đến 18% tổng đất đai quốc gia. Đây là cơ hội lớn cho đầu tư tại Bắc Úc với các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).

Bắc Úc giàu tài nguyên, khoáng sản, thế mạnh đất hiện để hợp tác và phát triển với nhiều đối tác, trong đó có Việt Nam.

Chúng tôi cũng phát triển trong lĩnh vực dầu khí khi khai thác tài nguyên này ngoài khơi, cung cấp 10% nhu cầu năng lượng cho Nhật Bản, cung cấp 10% khí LNG cũng cho Nhật bản.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, cũng có nhiều nhà đầu tư tham gia, trong đó có Việt Nam. Một cơ hội lớn khác là kết nối các chuyến du lịch, tuyến du lịch khác nhau tại Úc, khu vực vườn quốc gia…

Một điểm quan trọng tại Bắc Úc là các chương trình giáo dục quốc tế. Các học viên học đến học nghề và có nhiều cơ hội trong công việc.

Phía Bắc Úc có những quy định đặc biệt với các chương trình liên quan đến việc học tập, nghiên cứu. Chúng tôi có quy trình duyệt nhanh chóng. Nếu 1 sinh viên đến Úc và học về nghề thì họ sẽ có cơ hội học tập 2 năm, rồi tiếp theo là tìm kiếm việc làm. Visa sinh viên thì theo thời hạn học tập và có thể mở rộng.

Nếu hoàn thành chương trình học, sinh viên có thể đủ điều kiện và đăng ký trở thành người lưu trú lâu dài và trở thành công dân Úc.

Đã có nhiều SV Philipines sau 5 năm theo học và làm việc đã có đủ cơ hội đăng ký trở thành người định cư lâu dài, và sau này trở thành công dân Úc.

Bên Sydney thì phức tạp hơn, thậm chí mất thời gian lâu hơn từ 10-12 năm. Các chương trình ở TP. Darwin kéo dài 12 tháng thôi.

Chúng tôi cấp chứng chỉ quản lý nhà hàng, khách sạn. 6 tháng đầu, các sinh viên quốc tế sẽ vừa học và làm 24 tiếng trong 1 tuần. Đến kỳ 2, mức thời gian làm việc tưng lên 20 đến 49 tiếng/tuần. Sau 12 tháng, có trường hợp đạt mức thu nhập 12 triệu đồng/tuần – 25 triệu đồng/tuần.

Các doanh nghiệp ở Bắc Úc rất có nhu cầu lao động. Hiện nay, có khoảng hơn 101.000 học viên, sinh viên các quốc gia đên từ Ấn Độ, Châu Âu, các khu vực Bắc Mỹ và chúng tôi cũng có một lực lượng lớn từ Philipines, Nepal. Tuy nhiên, các sinh viên từ Việt Nam thì lại chưa có nhiều.

VIỆT NAM LÀ THỊ TRƯỜNG QUAN TRỌNG VỚI CENTRAL AGRI GROUP

Thay mặt Tập đoàn Central Agri Group, ông Johnnie Dichiera, Giám đốc Điều hành Central Agri Group (CAG) cảm ơn Tập đoàn Vabis Group, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tạp chí Nhà đầu tư, và Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc (NTVBC) đã tổ chức hội thảo ngày hôm nay.

Chúng tôi vô cùng vui mừng được góp mặt ngày hôm nay, cho phép chúng tôi cơ hội để cung cấp cho tất cả những đại biểu tại hội thảo này cái nhìn tổng quan về hoạt động kinh doanh của chúng tôi, và đặc biệt là chi nhánh xuất khẩu thịt bò của Rum Jungle tại lãnh thổ Bắc Úc.

Central Agri Group là một doanh nghiệp chế biến thịt tầm cỡ quốc gia, có phạm vi hoạt động rộng khắp nước Úc, có các chi nhánh ở Victoria, Lãnh thổ Bắc Úc và Tây Úc.

Ngoài các cơ sở chế biến thịt, tập đoàn của chúng tôi còn sở hữu và vận hành các trang trại chăn thả và vỗ béo gia súc, kho kiểm dịch xuất khẩu, cơ sở kho lạnh và các cửa hàng bán lẻ ở các bang này.

Chi nhánh ở lãnh thổ Bắc Úc của chúng tôi – bao gồm trang trại và nhà máy giết mổ xuất khẩu thịt Rum Jungle, nằm gần Thị trấn Batchelor, cách Darwin 105 km về phía nam.

Cơ sở chế biến của chúng tôi, 2 nhà máy giết mổ được chứng nhận xuất khẩu và là nhà máy đa chủng loại hiện đang xửa lý chế biến trâu và bò.

Tập đoàn Central Agri đã đầu tư đáng kể vào lãnh thổ Bắc Úc, một khoản đầu tư mà chúng tôi thực sự tin là khả thi và là cửa ngõ tiếp cận các quốc gia lân cận của chúng ta tại thị trường Đông Nam Á.

Đây là những thị trường đánh giá cao thịt đỏ Úc và chúng tôi nhận thấy cơ hội cũng như quy mô ở những thị trường này trong mối quan hệ đối tác phù hợp.

Việt Nam là thị trường cực kỳ quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi, thị trường mà chúng tôi đã hoạt động trong hơn 20 năm qua.

Ông Johnnie Dichiera, Giám đốc Điều hành Central Agri Group (CAG) phát biểu trực tuyến. Ảnh: TQ.
Ông Johnnie Dichiera, Giám đốc Điều hành Central Agri Group (CAG) phát biểu trực tuyến. Ảnh: TQ.

Trong thời gian này, chúng tôi đã phát triển các mối quan hệ và chuỗi cung ứng rất mạnh mẽ với khách hàng tại Việt Nam. Đây là những mối quan hệ được xây dựng theo thời gian và những mối quan hệ mà chúng tôi đánh giá cao, tuy nhiên cho đến gần đây chúng tôi vẫn chưa thể xác định được đối tác liên doanh phù hợp.

Một đối tác liên doanh có thể gia tăng giá trị đáng kể cho hoạt động kinh doanh chính của chúng tôi, có khả năng đầu tư vào ngành của chúng tôi không chỉ ở Việt Nam mà còn có khả năng đầu tư vào Úc và cùng nhau phát triển hơn nữa các chuỗi cung ứng.

Mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi gặp ông Nguyễn Ngọc Mỹ của Tập đoàn Vabis Group, chúng tôi nhanh chóng xác định được sự phối hợp tích cực giữa các bên. Ông Mỹ là người tiên phong nhập khẩu trâu bò và gia súc từ Úc về Việt Nam.

Ông là một doanh nhân cam kết với ngành nông nghiệp được thể hiện rõ ràng trong danh mục đầu tư, và là người có niềm đam mê phát triển chuỗi cung ứng thịt đỏ và thương mại giữa các nước chúng ta.

Kể từ khi liên kết với Vabis Group, chúng tôi đã có một số cuộc thảo luận xung quanh các cơ hội liên quan đến các vấn đề tiếp cận thị trường của Chi nhánh Rum Jungle, đặc biệt là các quy định và chúng tôi tin rằng tất cả những thách thức và vấn đề này có thể được khắc phục nhờ ảnh hưởng và năng lượng tích cực của ông Nguyễn Ngọc Mỹ.

Chúng tôi đang chính thức hóa một kế hoạch và mô hình kinh doanh – điều này bao gồm các cơ hội thú vị cho các bên được chọn cùng đầu tư vào liên doanh này cùng với Vabis Group và Central Agri Group.

RẤT MONG CÓ CHUYẾN BAY THẲNG TỪ VIỆT NAM SANG BẮC ÚC

Ông Jason Hanna, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc (NT-VBC) thông tin: Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc (NT-VBC) đang cố gắng hết sức để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Úc thông qua các chương trình hợp tác, kết nối.

Bản thân nhiều DN Việt Nam và Bắc Úc cũng đã tự kết nối để tìm kiếm cơ hội đầu tư. NT-VBC đặc biệt lưu ý thúc đẩy hợp tác giữa dân tộc thiểu số bản địa của Bắc Úc và hoạt động đầu tư của Việt Nam. Có thể nói sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác giữa Bắc Úc và Việt Nam cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền 2 nước.

Ông Jason Hanna, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc (NT-VBC). Ảnh: Trọng Hiếu
Ông Jason Hanna, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc (NT-VBC). Ảnh: Trọng Hiếu

Từ phía Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để thúc đẩy doanh nghiệp Bắc Úc có nhiều sự quan tâm hơn, các chương trình đào tạo – cơ sở quan trọng, thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước, mở những cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Việc không chênh lệch múi giờ quá lớn (2 tiếng) là một thuận lợi.

Đối với người lao động, sinh viên làm trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, mức lương chi trả tại Bắc Úc là khá cao và có nhiều cơ hội để thúc đẩy, trao đổi cách thức. Ngoài ra, đầu tư sang Bắc Úc còn có rất nhiều cơ hội trong các ngành như: Công nghiệp, một số ngành mới nổi dữ liệu, hoá dầu, không gian vũ trụ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chúng tôi tin tưởng rằng cơ hội hợp tác về nông nghiệp, chế biến xuất khẩu của Việt Nam – Bắc Úc là rất lớn. Hay, tôi được biết Việt Nam rất thích thịt bò Úc, còn chúng tôi lại rất thích phở bò Việt Nam – đó là một cơ hội lớn. có nhiều cách thức để mở cơ hội hợp tác giữa Việt Nam – Bắc Úc.

Chúng tôi biết Việt Nam cũng có xoài xuất khẩu nổi tiếng thế giới. Vì vậy, chúng tôi quan tâm làm sao mở thêm cơ hội, phương thức hợp tác giữa 2 bên. Chính phủ Úc cũng đang có chiến lược đảm bảo vị trí chiến lược của Bắc Úc, vì vậy cơ hội việc làm mở ra là rất lớn cho sinh viên các nước, trong đó có Việt Nam.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với 50 năm hợp tác, sẽ có những cơ hội tuyệt với trong đầu tư du lịch golf, săn bắn, tiềm kiếm các sản vật. Rất mong sẽ có chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Bắc Úc, từ đó tạo ra các cơ hội hợp tác, đầu tư giữa 2 bên.

THẢO LUẬN MỞ

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE và chuyên gia Danny Võ tham gia điều phối.

NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI LÀ NGUỒN LỰC RẤT LỚN

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Mở đầu phiên tham luận, tôi muốn nghe ý kiến từ phía bà Đặng Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao. Ngoài những điểm chung về tiềm năng cơ hội hợp tác được các đại biểu trình bày, bà có thể chia sẻ, lưu ý thêm một số vấn đề với các doanh nghiệp?

Bà Đặng Thị Thu Hà: Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng tổ chức hội thảo hôm nay, giúp tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam với Úc nói riêng và các nước nói chung. Từ góc độ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp, người Việt Nam tại Bắc Úc quay trở lại Việt Nam đầu tư, vừa giúp tăng cường quan hệ hợp tác 2 bên, vừa mang lại công ăn việc làm cho người lao động.

Hiện nay, người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người với 421 dự án, số vốn lên tới 1,72 tỷ USD. Nguồn kiếu hối gửi về trong nước từ 2003 đến nay lên tới 230 tỷ USD, tương đương vốn FDI giải ngân trong cùng thời kỳ. Mỗi năm có 400-500 lượt chuyên gia tri thức về nước làm việc.

Bà Đặng Thị Thu Hà. Ảnh: Trọng Hiếu.
Bà Đặng Thị Thu Hà. Ảnh: Trọng Hiếu.

Điều này cho thấy, người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực rất lớn với trong nước và chính sách của Việt Nam ngày càng có sự tạo thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư trong nước. Về Bắc Úc, đây là vùng đất rộng, người thưa. Vì vậy, cơ hội đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên, để dự án đầu tư sang không phải dễ và cần thời gian nhưng đưa lao động sang là ý tưởng tốt. Rất mong các doanh nghiệp quan tâm khả năng đưa lao động Việt Nam sang Bắc Úc.

Tháng 8/2024, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 4 để phát huy đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài cho đất nước.

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VIỆT ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Với tư cách nhà ngoại giao kỳ cựu nhiều kinh nghiệm, bà có lời khuyên gì với các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài, làm thế nào để tranh thủ sự giúp đỡ của nước sở tại cũng như nhận sự hỗ trợ của các đại sứ quán?

Bà Đặng Thị Thu Hà: Việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển đầu tư ra nước ngoài là nhiệm vụ chung, trọng tâm của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.

Theo đó, Bộ Ngoại giao đang thúc đẩy ngoại giao kinh tế, coi đây là công tác trọng tâm. Vì vậy, công tác hỗ trợ doanh nghiệp cũng là trọng tâm của cơ quan đại diện.

Chúng tôi cũng khuyến nghị, khi doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nên liên hệ với cơ quan đại diện trước. Vì đầu tư ra nước ngoài cũng có đối tác thế này thế kia, cơ quan đại diện sẽ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, xác minh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp.

Thực tế đã có những trường hợp đầu tư ra nước ngoài bị lừa và cơ quan đại diện phải chung tay xử lý. Vì vậy, trước khi làm ăn với đối tác doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến của cơ quan đại diện trước.

HỢP TÁC ĐẦU TƯ VIỆT NAM – BẮC ÚC CẦN TẦM NHÌN DÀI HƠI

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tiếp theo mạch này, tôi muốn kết nối với bà Nguyễn Thanh Hà, Tổng lãnh sứ quán Việt Nam tại Úc. Bà đã theo dõi các ý kiến, các tham luận, các chuyên gia chỉ ra tiềm năng cơ hội nhưng ít nói về khó khăn thách thức, tôi muốn nghe đánh giá khách quan của bà về việc đầu tư sang Úc nói chung cũng như Bắc Úc nói riêng, các doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý điều gì?

Bà Nguyễn Thanh Hà: Chúng ta có 3 thuận lợi, một là lãnh đạo Bắc Úc coi trọng quan hệ với Việt Nam, không chỉ trong chiến lược chung của liên bang mà còn chiến lược riêng của Bang cũng nhấn mạnh sự ưu tiên này.

Bà Nguyễn Thanh Hà trao đổi trực tuyến. Ảnh: Trọng Hiếu
Bà Nguyễn Thanh Hà trao đổi trực tuyến. Ảnh: Trọng Hiếu

Hai là khoảng cách địa lý gần, khí hậu Bắc Úc ôn hòa gần giống miền Nam của Việt Nam. Ba là nguồn tài nguyên phong phú: Đất đai phì nhiêu, nhiều khoáng sản,…

Ngược lại cũng có một số khó khăn như Bắc Úc và Việt Nam chưa biết nhiều về nhau, hai là lãnh đạo chính quyền coi trọng Việt Nam nhưng doanh nghiệp chưa biết nhiều, chưa làm việc với nhau nhiều.

Bên cạnh đó, chưa có đường vận tải thẳng, bay thẳng, điều này hạn chế sự đi lại giữa hai bên, làm trao đổi kinh tế thương mại và giáo dục khó khăn. Ngoài ra còn có chính sách visa, thời gian gần đây họ siết chặt visa du học, du lịch, người lao động.

Theo tôi, để thúc đẩy du lịch, thương mại, đầu tư thì cần có trao đổi đoàn và hoạt động giao lưu thường xuyên. Thêm vào đó, với những sự kiện như này nên chăng cần lan tỏa đến địa phương trên khắp cả nước chứ không chỉ với mỗi doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc giao lưu trong thời gian tới giữa Bắc Úc và Vabis cần có tầm nhìn dài hơi, xây dựng chương trình 3 năm chứ không phải chỉ trong 1 năm. Ngoài ra, khi doanh nghiệp đầu tư một địa bàn nào đó có thể tiếp cận đại diện ở nước ngoài để có thể hỗ trợ tìm kiếm đối tác phù hợp hơn, song trước hết, bản thân mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm cơ quan đại diện phù hợp để đáp ứng được nhu cầu.

BẮC ÚC – CƠ HỘI GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tiếp theo chương trình, tôi muốn mời ý kiến của ông Hoàng Văn Xô, Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế, Ủy ban Dân tộc. Ông có thể nói thêm về cơ hội hợp tác đồng bào thiểu số của Úc (đối tượng sở hữu 50% đất đai khu vực này) với các tỉnh miền núi phía bắc, nơi có một số nét tương đồng và tập trung khá đông bào thiểu số của nước ta.

Ông Hoàng Văn Xô: Tôi xin trình bày 3 ý như sau. Thứ nhất, vùng dân tộc thiểu số chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên cả nước, tập trung 52 tỉnh, thành, đây là các khu vực địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn.

Người đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam là 14,3 triệu người, chiếm hơn 14% tổng dân số trong nước. Trong số đó thì người dân tộc thiểu số lõi nghèo nhất cả nước, chiếm đến 60% tổng số nghèo cả nước. Đặc trưng dân tộc thiểu số thiếu trầm trọng đất ở, đất sản xuất, rất khó khăn về điều kiện tự nhiên, khí hậu. Ở các vùng cơ sở thì hạ tầng thiết yếu còn nhiều khó khăn. Trong 14,3 triệu dân, thì có 8,4 triệu người đến tuổi lao động.

Đây là tiềm năng lớn. Chúng tôi nghiên cứu nhiều chính sách thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới việc đào tạo con em đồng bào dân tộc. Sức lao động là tài sản lớn nhất của họ. Đây là thách thức và Bắc Úc là một cơ hội giải quyết thách thức đó. Chúng tôi đã mường tượng về một ngày mà đồng bào dan tộc có những bản làng ngay tại Bắc Úc.

Ông Hoàng Văn Xô. Ảnh: Trọng Hiếu.
Ông Hoàng Văn Xô. Ảnh: Trọng Hiếu.

Thứ hai, chúng tôi muốn nói về cơ cấu tổ chức Ủy ban Dân tộc những năm vừa qua. Năm 2022, Bộ Giáo dục đào tạo bàn giao 5 trường dự bị đại học cho Ủy ban Dân tộc. Trong quá tình làm việc trường dự bị, đây là nguồn nhân lực quý giá. Các cháu cần đạo tạo nhanh để đi làm việc.

Mở ra cơ hội hợp tác các trường dự bị đại học, học nghề là cơ hội lớn mở ra với các hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng có trường hợp các em có thể học ở cấp độ nghiên cứu cao hơn. Tiếp theo vấn đề này, chúng tôi mong có nhiều đối tác kết nối trường dự bị Đại học. Để hợp tác đào tạo ngành nghề tay nghề cao hướng đến xuất khẩu lao động, cung cấp lao động cho các công nghệ cao.

Thứ ba, trong dịp năm 2022 đến Bắc Úc, tôi thấy khu vực này có diện tích gần gấp 4 Việt Nam, khí hậu gần tương đương TP.HCM. Và, việc bay từ TP.HCM sang Bắc Úc chỉ 4 tiếng. Dân cư thì chiếm 30% người bản địa. Đây là tiềm năng lớn nếu chúng ta có hợp tác với người bản địa. Đây là cơ hội lớn với Việt Nam.

Chúng tôi có những thảo luận, bàn bạc với cấp Chính phủ. 2 bên theo sẽ thúc đẩy hợp tác giữa người dân tộc thiểu số và người bản địa Bắc Úc trong 50 năm tiếp theo. Thủ tướng đề nghị coi phía Úc coi cộng đồng người Việt như một dân tộc tại Úc. Tại Úc, tiếng Việt xếp là ngôn ngữ thứ 5, nên đây là hợp tác rất đặc biệt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có ký kết hợp tác với Chính phủ Úc.

ĐẦU TƯ KINH DOANH Ở BẮC ÚC THƯỜNG THÀNH CÔNG CAO

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ông Hoàng Văn Xô. Câu chuyện hợp tác theo như bà Nguyễn Thanh Hà có đề cập về vấn đề visa, có cách gì và có kiến nghị gì, trên cơ sở đối tác chiến lược toàn diện để nới lỏng visa cho người Việt Nam qua Bắc Úc, hay nới lỏng một số điều kiện nhập cảnh như tiếng anh (IELTS 4.5), ông có thể chia sẻ thêm?

Ông Hoàng Văn Xô: Hiện, Đại sứ quán Úc hỗ trợ nguồn vốn ODA, chúng tôi dùng vốn này để phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta cũng có visa nông nghiệp, cung cấp một số loại visa sang Úc.

Theo khảo sát tại chỗ của chúng tôi, có trường hợp đăng ký xin visa sang Úc làm việc. Các học sinh qua vừa làm việc, vừa học, vừa kiếm tiến. Đó là con đường hay.

Dù vậy, chúng ta cần làm việc thêm với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam. Riêng chính quyền Bắc Úc có chính sách riêng và đặc thù. Có câu chuyện vui là một thổ dân lấy một người khác không phải người Úc thì ngày hôm sau vẫn được cấp quốc tịch.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tôi muốn quay lại với bà Nguyễn Thanh Hà, trên cơ sở nâng cấp quan hệ 2 nước vừa qua, có thể kỳ vọng phía Úc nới lỏng visa cho người lao động từ Việt Nam?

Bà Nguyễn Thanh Hà: Giai đoạn 2022-2023, sau đại dịch, Úc nới lỏng visa cho người nhập cư vào Úc với số lượng khoảng 700.000 người trên tổng dân số Úc. Hiện giờ người nhập cư vào Úc rất lớn, Úc rơi vào khủng hoảng nhà ở nên 2024 họ quyết định siết chặt visa.

Với chính sách visa chung, Úc không thể phân loại từng đối tượng, hay từng nước. Do đó, kỳ vọng 2 nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện mà Úc nới lỏng visa cho Việt Nam là khó. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể, có thể họ đưa ra những chương trình mới, hoặc những loại visa mới.

Có một tin vui đó là, khi bà con sang đến Úc làm ăn cơ hội thành công rất lớn, đóng góp thuế cho Chính phủ Úc rất lớn, do đó họ rất trân trọng. Ở Bắc Úc, sinh viên Việt Nam có thể xin được visa, quốc tịch rất tốt hoặc những người đầu tư kinh doanh ở Bắc Úc thường thành công cao hơn là thất bại.

ĐẦU TƯ VÀO ÚC NÊN CHUẨN BỊ CÁC PHƯƠNG TIỆN CƠ BẢN

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn Tổng lãnh sự. Tiếp theo thay vì điều phối, tôi muốn các doanh nghiệp trực tiếp đặt câu hỏi với các đại biểu để được tháo gỡ các thắc mắc.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Ảnh: Trọng Hiếu.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Ảnh: Trọng Hiếu.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty CP Xúc tiến Thương mại Đầu tư Toàn cầu Việt Anh: Tôi đã qua lại, làm ăn với Úc nhiều năm, Darwin là một thị trường tương đối mới mẻ, vì vậy tôi muốn có một số câu hỏi.

1. Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, nhiều điều kiện đối với các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đơn cử như trong trường hợp xin giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài doanh nghiệp cũng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, vậy đối với Úc hay Darwin có hỗ trợ nào, ưu đãi nào để đơn giản hóa thủ tục với nhà đầu tư hay không?

2. Đầu tư ra nước ngoài có nhiều hình thức như góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết, vậy pháp lý về các hình thức này như thế nào để đảm bảo chặt chẽ cho nhà đầu tư Việt Nam?

3. Liên quan đến thuế, tại Úc tôi được biết mức áp thuế khác nhau giữa các khu vực, vậy ưu đãi thuế ở khu vực Darwin này như nào?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Một sự tế nhị trong đầu tư, làm việc ở Úc là một mặt họ cần lao động, cộng tác đầu tư nhưng lại không đẩy mạnh thu hút ồ ạt mà thu hút có chọn lọc.

Theo đó, Bắc Úc từng đưa phương án visa 3 năm tìm hiểu. Thu hút đầu tư của họ là rất bài bản nhưng không áp dụng các chính sách giảm thuế. Một số quốc gia có quỹ hỗ trợ khi kết hợp với nhà đầu tư bản địa, nhưng ở Úc thì không giống vậy. Họ có chính sách phát triển 10-20 năm để tăng dân số nhưng lại phải có chọn lọc, lao động phải có tay nghề cao, tự sinh sống, phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ. Ảnh: Trọng Hiếu
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ. Ảnh: Trọng Hiếu

Vì vậy, cần thấy rằng, đây là mối quan hệ cùng thắng. Nhà đầu tư nên chuẩn bị các phương tiện cơ bản, trong đó có tiếng Anh. Người Việt Nam rất thành công ở Úc nhưng cũng có một bộ phận nhỏ không thực sự tốt.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh: Trong quá trình nhà đầu tư đến Úc để đầu tư thì có những ưu đãi hay chính sách hỗ trợ gì không?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Đầu tư ra nước ngoài trước đây rất hạn chế nhưng những năm gần đây đã cho phép đầu tư có chọn lọc ra nước ngoài. Trong đầu tư ra nước ngoài thì có vấn đề chuyển tiền ngoại tệ rất quan trọng, gần đây đã có nới lỏng vấn đề ngoại hối, song doanh nghiệp cần tìm hiểu chính sách của nhà nước và ngân hàng về đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, khi vào đầu tư vào Bắc Úc, cần thông qua cơ quan đại diện để có thể tìm hiểu ký hơn. Bắc Úc rất khuyến khích đầu tư, họ sẵn sàng bàn về việc tăng cường đầu tư sang Bắc Úc. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu để rõ hơn trước khi đầu tư.

Bà Nguyễn Thanh Hà: Theo như tôi được biết, Chính phủ Bắc Úc ưu đãi cho 2 đối tượng. Với đối tượng thứ nhất, công ty của bạn làm việc trong liên doanh, hoặc chính công ty bạn có thuê người bản địa, hoặc người thuộc khu vực Bắc Úc. Thứ hai là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực họ mong muốn phát triển. Ví dụ, vừa qua VietJet Air có ý định muốn mở đường bay thẳng, phía Bắc Úc cho biết sẽ hỗ trợ tối đa.

Ông Phương Hữu Oanh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Luật Việt Nam Công Lý: Doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài là trước khi đầu tư cần nghiên cứu hiệp định hợp tác đầu tư, như ở Úc. Trong đó có nhiều hành lang bảo vệ cho doanh nghiệp.

Tiếp theo, nếu chúng ta đầu tư ngoài Bắc Úc thì tìm hiểu luật đầu tư của họ. Trong đó, có đầy đủ chính sách, quy định cụ thể. Một vấn đề nữa, luật về thuế, tránh đánh thuế 2 lần. Tôi cũng mong thời gian tới, tôi cùng với VAFIE có thể đồng hành với doanh nghiệp trong đầu tư nước ngoài.

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI, CHUỖI SIÊU THỊ LỚN

Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Úc: Sau khi Thủ tướng sang nâng cấp quan hệ thì các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến Bắc Úc. Tôi lên tìm hiểu thị trường thì thấy tiềm năng rất lớn, còn nhiều dư địa. Các đoàn doanh nghiệp nên đến tận nơi khảo sát.

Tôi nhận thấy tiềm năng phát triển hệ thống thương mại, chuỗi siêu thị lớn. Nhiều doanh nghiệp tại Úc đã rất thành công khi phát triển chuỗi siêu thị. Nguồn vốn không phải là vấn đề lớn khi cơ quan thương vụ tại Úc có thể hỗ trợ.

Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp có quyết tâm. Chính phủ Úc cũng có kế hoạch lớn để phát triển Bá Cú thành trung tâm lớn. Do vậy, tôi cho rằng chúng ta cần tầm nhìn dài hạn hơn về thương mại, logistics…

Ông Danny Võ: Có bất kỳ ưu đãi hoặc chương trình nào của chính phủ để khuyến khích đầu tư vào lãnh thổ Bắc Úc không? Cơ hội và thách thức đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào lãnh thổ Bắc Úc là gì?

Ông Jason Hanna: Quy định cho người nhập cư có ưu đãi gì? Chính quyền Bắc Úc có quỹ việc làm dành cho người địa phương. Theo đó, chúng tôi có sáng kiến để thúc đẩy tạo việc làm thông qua kết nối giữa doanh nghiệp địa phương với nhà đầu tư nước ngoài. Đã có những dự án được hỗ trợ lên tới 1 triệu USD và có những nhà máy tiếp cận quỹ lên tới 10 triệu USD.

Ngoài ra, chính quyền cũng có quỹ phát triển hạ tầng Bắc Úc lên đến 10 triệu USD và đã cấp những khoản vay 78 triệu USD thúc đẩy hạ tầng, trang trại ở Bắc Úc. Điều quan trọng là tăng cường hợp tác với doanh nghiệp địa phương.

Ông Bùi Công Giang, Giám đốc Công ty Anpila Capital: Theo tôi cần phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để từ đó đem tiền về làm giàu cho đất nước, như những thương nhân của Nhật Bản, Trung Quốc hay Đài Loan. Tôi kiến nghị Cục Đầu tư nước ngoài cần có đề xuất với nhà nước để có chính sách để khuyến khích hay quản lý chặt theo một con đường riêng với vấn đề đầu tư ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Chúng ta có website và sẵn sàng để chia sẻ thông tin và giải đáp các thắc mắc của các quý vị đại biểu. Chúng tôi kỳ vọng đến tháng 11/2024 sẽ có máy bay mở cửa các văn phòng đại diện, kho bãi. Tôi nghĩ đây là năm rất tốt bởi Chính quyền bên Bắc Úc đang tổ chức bầu cử. Đây là sự thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Do đó, chúng ta cần những sự chuẩn bị về nhân lực, nguồn lực quan trọng. Đây là bước mà chúng ta cần đẩy mạnh. Tôi tin đó là sự phát triển của doanh nghiệp trong 50 năm. Tôi khẳng định những bước đi là đúng hướng, chỉ là cách chúng ta làm thế nào mà thôi. Xin trân trọng cảm ơn các đại biểu có mặt ngày hôm nay.

TS. Nguyễn Anh Tuấn phát biểu kết thúc hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu
TS. Nguyễn Anh Tuấn phát biểu kết thúc hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu

TS. Nguyễn Anh Tuấn phát biểu kết luận hội thảo: Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin cảm ơn các quý vị đại biểu, quý vị khách quý đã tham dự hội thảo. Hội thảo đã chia sẻ nhiều thông tin cụ thể, thiết thực, Ban tổ chức tin tưởng rằng ý nghĩa hội thảo không chỉ nằm ở mức chia sẻ thông tin mà chúng ta sẽ cùng kết nối để khai thác một vùng đất nguyên sơ đầy tiềm năng. Hẹn gặp lại quý vị trong các chuyến khảo sát tới đây.

VAFIE ngoài chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam còn có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hiệp hội sẵn sáng kết nối cùng các quý vị để tiến ra các thị trường có tiềm năng to lớn, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Xin trân trọng cảm ơn!

  • Quan hệ kinh tế Việt – Australia đã có bước phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ vừa qua, với kim ngạch thương mại tăng gấp đôi, đạt mức 13,8 tỷ USD trong năm 2023.
  • Đến nay, Australia đã có 631 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,04 tỷ USD.
  • Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư sang Australia 94 dự án với tổng vốn đăng ký 584 triệu USD trong các lĩnh vực như nông nghiệp, kinh doanh thương mại, kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo.

Từ ngày 5-9/3/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Australia. Điểm nổi bật nhất của chuyến thăm là việc Thủ tướng hai nước đã công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam – Australia lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Hội thảo Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc năm 2024 diễn ra 8 giờ tại số 65 Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.
Hội thảo Hợp tác Đầu tư Việt Nam – Bắc Úc năm 2024 diễn ra 8 giờ tại số 65 Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.

Hai Thủ tướng đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn, bao gồm: tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn, tận dụng các tiềm năng của của hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao; thúc đẩy hợp tác khoa-học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn; hợp tác văn hoá, giáo dục-đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn; và hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh-quốc phòng.

Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Australia lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện là tiền đề quan trọng nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai quốc gia đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Trong đó, vùng lãnh thổ Bắc Úc, bang có diện tích đứng thứ ba và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Liên bang Úc với khu vực châu Á Thái Bình Dương và ASEAN, nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh, cũng như sự tương đồng và tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam, nhưng chưa được hai phía đánh giá đúng mực và khai thác đúng tầm.

Trước đó, vào ngày 3/9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc (NTVBC) đã ký kết một Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược để cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ giao thương và hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Bắc Úc.

Trong bối cảnh nói trên, được sự bảo trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc (NTVBC) tổ chức hội thảo “Hợp tác Đầu tư Việt Nam – Bắc Úc năm 2024”. Thời gian: 8h00, thứ Năm, ngày 28/3/2024. Địa điểm: Hội trường tầng 1, số 65 Văn Miếu, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Nguồn: https://nhadautu.vn/hop-tac-dau-tu-viet-nam–bac-uc-can-tam-nhin-dai-hoi-d84565.html