Thỏa thuận chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ Việt Nam – Australia

THỎA THUẬN GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ Ô-XTƠ-RÂY-LI-A VỀ CHƯƠNG TRÌNH LAO ĐỘNG KẾT HỢP KỲ NGHỈ

CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ ÔXTƠ-RÂY-LI-A

Nhằm củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước (sau đây sẽ gọi tắt là ʻBên’ và ʻcác Bên’) và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên hai nước, hai Bên đã đạt được Thỏa thuận trong việc cấp thị thực căn cứ theo “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ” như sau:

ĐIỀU 1. CÁC NGUYÊN TẮC

Mục đích của các Bên được đưa ra trong Thỏa thuận là công dân của mỗi Bên, phù hợp với Thỏa thuận này và pháp luật của hai Bên, được cấp thị thực theo “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ” với mục đích là du lịch và có thể kết hợp làm việc và học tập ngắn hạn.

Mỗi Bên có quyền xác định phương pháp và địa điểm tiếp nhận đơn xin thị thực cho
“Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ” của công dân Bên kia. Các đơn xin thị thực cho “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ” chỉ được phép nộp tại những địa điểm quy định.

Ngoài số lượng thị thực quy định tại Điều 2 Thỏa thuận này, mỗi Bên có quyền hạn chế hơn nữa hoặc thay đổi số lượng thị thực cấp mỗi năm cho công dân của Bên kia theo Thỏa thuận này. Một Bên phải thông báo cho Bên kia bằng văn bản qua đường ngoại giao khi hạn chế số lượng thị thực nói trên.

ĐIỀU 2. ĐIỀU KIỆN CỦA ỨNG VIÊN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH

a) Theo quy định tại Thỏa thuận này, mỗi Bên (với tư cách là Bên tiếp nhận), căn cứ vào quy định và thủ tục của nước mình, sẽ cấp tối đa mỗi năm hai trăm (200) thị thực nhập cảnh nhiều lần cho công dân của Bên kia (với tư cách là Bên cử), cho phép họ lưu trú trong thời gian mười hai (12) tháng kể từ ngày nhập cảnh đầu tiên vào Bên tiếp nhận nếu họ đáp ứng các điều kiện sau:

  • (i) Có ý định chủ yếu là đi nghỉ tại Bên tiếp nhận trong thời gian tối đa là mười hai (12) tháng kể từ ngày nhập cảnh đầu tiên vào lãnh thổ Bên tiếp nhận;
  • (ii) Đủ mười tám (18) tuổi trở lên nhưng không không quá ba mươi mốt (31) tuổi tại thời điểm nộp đơn xin cấp thị thực cho “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ”;
  • (iii) Không có trẻ em phụ thuộc đi cùng trong thời gian lưu trú tại Bên tiếp nhận;
  • (iv) Có hộ chiếu còn giá trị và có vé máy bay hoặc có một khoản tiền đủ để để mua vé máy bay đó;
  • (v) Ngoài khoản tiền được quy định tại mục 2 (a)(iv), có khoản tiền cần thiết để hỗ trợ cá nhân với mục đích đi nghỉ và tìm được việc làm ngẫu nhiên tại Bên tiếp nhận. Việc xác định số tiền được xem là cần thiết sẽ căn cứ vào thông tin được cập nhật hơn trong các thông tin sau: thông tin được Bên tiếp nhận công bố thường xuyên hoặc bất kỳ khuyến nghị nào khác của Bên tiếp nhận liên quan đến số tiền này;
  • (vi) Đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe và nhân thân theo pháp luật của Bên tiếp nhận;
  • (vii) Chưa từng tham gia “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ” của Bên tiếp nhận hoặc Chương trình khác tương tự;
  • (viii) Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc giấy tờ chứng minh đã hoàn thành ít nhất hai (2) năm đại học chính qui;
  • (ix) Có khả năng sử dụng ngôn ngữ chính thức của Bên tiếp nhận được đánh giá ở mức độ tối thiểu có thể làm việc được; đánh giá này bao gồm cả việc người nộp đơn xin thị thực cung cấp các tài liệu chứng minh khả năng sử dụng ngôn ngữ phù hợp với các yêu cầu của Bên tiếp nhận;
  • (x) Có thư giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Bên cử trong đó khẳng định rõ Chính phủ Bên cử đồng ý cho lưu trú tại Bên tiếp nhận theo các điều khoản của Thỏa thuận này; và
  • (xi) Các ứng viên Ô-xtơ-rây-li-a có giấy phép làm việc thuộc Chương trình này trước khi vào
    Việt Nam làm việc theo quy định của pháp luật Việt Nam

b) Các ứng viên phải chịu toàn bộ các khoản phí liên quan đến việc xin cấp thị thực. Các ứng viên Ô-xtơ-rây-Ii-a phải nộp lệ phí cấp và cấp lại giấy phép làm việc trong kỳ nghỉ theo luật và quy định của Việt Nam.

c) Công dân của mỗi Bên xin cấp thị thực trong khuôn khổ Thỏa thuận này có thể bị Bên kia từ chối cấp thị thực theo luật và quy định của Bên đó.

ĐIỀU 3. NHẬP CẢNH, LƯU TRÚ VÀ ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC

a) Mỗi Bên sẽ cho phép người xin thị thực theo “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ” lưu trú trên lãnh thổ nước mình với thời hạn mười hai (12) tháng. Phù hợp với pháp luật của Bên tiếp nhận, người mang thị thực thuộc ʻChương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ’ được phép sử dụng thị thực này để xuất cảnh và nhập cảnh nhiều lần lãnh thổ Bên tiếp nhận trong thời gian lưu trú nói trên.

b) Công dân của một Bên đã nhập cảnh lãnh thổ Bên kia bằng thị thực thuộc “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ” phải chấp hành pháp luật và quy định của Bên kia.

c) Công dân của một Bên nhập cảnh lãnh thổ Bên kia để tham gia “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ” không được làm những công việc trái với mục đích nhập cảnh, không được làm việc toàn bộ mười hai (12) tháng trong kỳ nghỉ. Cụ thể, người mang thị thực loại này phải:

  • (i) Có mục đích chủ yếu của việc lưu trú theo loại thị thực này là đi nghỉ, nhưng tìm được việc làm một cách ngẫu nhiên;
  • (ii) Đối với công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không được làm việc cho bất cứ một (1) chủ sử dụng lao động nào quá sáu (6) tháng, trừ khi đã được cơ quan có thẩm quyền của Ô-xtơ-rây-li-a cho phép; và
  • (iii) Đối với công dân Ô-xtơ-rây-li-a đã được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp giấy phép làm việc trong kỳ nghỉ, không được làm việc cho bất cứ một
  • (1) chủ sử dụng lao động nào quá sáu (6) tháng, trừ khi đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép.

(d) Trong thời gian thị thực thuộc “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ” còn giá trị, người mang thị thực này không được tham gia học tập hoặc đào tạcó thời hạn quá bốn (4) tháng.

(e) Công dân của một Bên đã được cấp thị thực theo Thỏa thuận này có thể bị từ chối nhập cảnh hoặc bị buộc rời khỏi lãnh thổ của Bên kia phù hợp với luật và quy định của Bên đó.

(f) Người mang thị thực thuộc “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ” sẽ không được phép tiếp tục lưu trú tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hoặc Ô-xtơ-rây-li-a sau thời hạn lưu trú mười hai (12) tháng được quy định cho thị thực này.

ĐIỀU 4. CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN

a) Vì mục đích thực hiện Thỏa thuận này, các Bên sẽ chỉ định các cơ quan có thẩm quyền. Đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đối với phía Ô-xtơ-rây-li-a, cơ quan có thẩm quyền là Bộ Nhập cư và Bảo vệ Biên giới.

b) Cơ quan có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận này.

c) Không ảnh hưởng đến quy định tại mục (a) của Điều này, các Bên có thể chỉ định các cơ quan có thẩm quyền khác phối hợp thực hiện Thỏa thuận này. Một Bên sẽ thông báo cho Bên kia bằng văn bản qua đường ngoại giao khi chỉ định cơ quan có thẩm quyền vì mục đích nói trên.

d) Một Bên sẽ thông báo cho Bên kia bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc thay đổi cơ quan có thẩm quyền.

ĐIỀU 5. YÊU CẦU TÀI LIỆU VÀ VẤN ĐỀ HỒI HƯƠNG CỦA CÔNG DÂN

a) Các Bên sẽ nhận trở lại công dân của mình không được phép cư trú trên lãnh thổ Bên kia, bao gồm cả những người đã được cấp thị thực nhưng vi phạm pháp luật của Bên kia.

b) Việc nhận trở lại công dân được thực hiện theo các nội dung quy định tại Thỏa thuận liên quan giữa hai Chính phủ hoặc các quy định, luật pháp có liên quan của mỗi nước.

ĐIỀU 6. ĐÌNH CHỈ

Ngoài trường hợp quy định tại Điều 8 của Thỏa thuận, mỗi Bên có thể, vì lý do chính sách công, đình chỉ tạm thời toàn bộ hoặc một phần các điều khoản liên quan tới việc nhập cảnh hoặc lưu trú trên lãnh thổ nước mình của những người mang thị thực thuộc “Chương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ”. Việc đình chỉ phải được thông báo ngay lập tức hoặc vào thời điểm sớm nhất có thể cho Bên kia thông qua đường ngoại giao. Văn bản thông báo việc đình chỉ phải ghi rõ ngày kết thúc việc đình chỉ. Trong thời gian đình chỉ Thỏa thuận, các Bên sẽ không triển khai bất cứ công việc nào theo Thỏa thuận này liên quan đến các điều khoản bị đình chỉ.

ĐIỀU 7. SỬA ĐỔI

a) Việc sửa đổi Thỏa thuận này có thể thực hiện vào bất cứ thời điểm nào bằng văn bản thỏa thuận giữa các Bên thông qua đường ngoại giao.

b) Ngày hiệu lực của những sửa đổi này sẽ được quy định trong thư từ ngoại giao.

ĐIỀU 8. HIỆU LỰC

a) Thỏa thuận này, và bất kỳ sửa đổi liên quan sẽ có hiệu lực vào ngày hai Bên thỏa thuận và được thông báo chính thức bằng văn bản qua đường ngoại giao.

b) Một Bên có thể chấm dứt hiệu lực của Thỏa thuận này bằng cách thông báo bằng văn bản cho Bên kia qua đường ngoại giao; trong trường hợp đó, Thỏa thuận sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày muộn nhất trong những ngày sau: ngày chấm dứt Thỏa thuận quy định trong văn bản thông báo hoặc nếu văn bản thông báo không quy định thì chín mươi (90) ngày sau ngày Bên kia nhận được thông báo.

c) Trong trường hợp chấm dứt hoặc đình chỉ Thỏa thuận này hoặc bất kỳ quy định nào của Thỏa thuận này, người đã có thị thực thuộc ʻChương trình Lao động kết hợp kỳ nghỉ’ (tại thời điểm chấm dứt hoặc đình chỉ nói trên) sẽ được phép nhập cảnh và/hoặc cư trú trên lãnh thổ của Bên đã cấp thị thực theo các điều khoản áp dụng cho thị thực đó cho đến khi thị thực đó hết hạn, phù hợp với luật và quy định của Bên đó.

ĐIỀU 9. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Mọi tranh chấp nảy sinh giữa các Bên trong việc giải thích và/hoặc áp dụng Thỏa thuận này sẽ được giải quyết thông qua hình thức đàm phán và tham vấn trực tiếp giữa các Bên. Các Bên thỏa thuận không đưa những tranh chấp phát sinh từ Thỏa thuận này ra bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp nào được thành lập hoặc điều chỉnh theo pháp luật quốc tế hoặc theo pháp luật quốc gia của mỗi Bên.

Làm tại Can-bê-ra ngày 18 tháng 3 năm 2015 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh; các văn bản có giá trị pháp lý như nhau.
Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được sự ủy quyền hợp thức của Chính phủ mình đã ký Thỏa thuận này.

 

Thay mặt Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nguyễn Văn Nên
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính

Thay mặt Chính phủ
Ô-xtơ-rây-li-a

Peter Dutton
Bộ trưởng Di trú và Bảo vệ biên giới phủ