Người đàn ông ngồi trước mặt tôi có dáng vẻ phong trần, gương mặt cương nghị dù đã ở tuổi xưa nay hiếm. Nghe ông chia sẻ về những năm tháng bôn ba trên thương trường sẽ cảm nhận được ngọn lửa đam mê kinh doanh nhiệt huyết như thời trai trẻ của doanh nhân Việt kiều Australia này. Ông là Nguyễn Ngọc Mỹ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VABIS Group.
Sau thời gian dài định cư ở Australia, năm 1992, theo tiếng gọi của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, ông đã hồi hương về quê mẹ. Xin ông cho biết về những hoạt động và những sáng kiến đã để lại nhiều dấu ấn, thành công trong các dự án đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, đào tạo nghề, thể thao giải trí… của VABIS ở Việt Nam trong suốt 31 năm qua?
Tôi và cộng sự thành lập VABIS Group năm 1993, tiền thân là công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Xây dựng Việt Nam – Australia. 31 năm qua, VABIS tham gia các mảng hoạt động chính như hoàn thiện công trình, xây lắp hệ thống điện nước, trang trí nội thất, đào tạo nghề, thể thao giải trí… Tập đoàn đã đầu tư và tham gia thi công nhiều công trình lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Lâm Đồng. Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến là toà nhà Landmark, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP. HCM, Sài Gòn Center, Trường đua Phú Thọ, Đại sự quán Australia tại Hà Nội, Khách sạn Sheraton Hà Nội…
Năm 2000, chúng tôi thành lập công ty Dịch vụ thể thao và Thi đấu giải trí SES và lần đầu tiên bộ môn Đua chó giải trí được giới thiệu ở Việt Nam, cùng với việc cải tạo nâng cấp Sân vận động Lam Sơn – TP. Vũng Tàu trở thành Trường đua chó hiện đại Greyhound, theo tiêu chuẩn Australia. Năm 2002, Công ty Phần mềm tiếp thị thể thao SMS tại TP. HCM cũng được thành lập và đi vào hoạt động. Tôi rất tự hào vì đây là công ty có phần mềm hiếm có, độc đáo tại Việt Nam và thế giới. Hiện công ty đang quản lí và xử lí dữ liệu cho các đối tác trên toàn cầu, với hơn 20 loại hình đặt cược thể thao gồm 14-17 ngàn trận đấu thể thao mỗi tháng có tổng doanh số khoảng 22 tỉ USD/năm.
Ngoài ra, VABIS Group còn hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác như: phát triển dự án bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, đào tạo dạy nghề,… góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trải qua thời kì khó khăn của đại dịch Covid-19, hoạt động đầu tư về Việt Nam của ông và tập đoàn VABIS nói riêng, cũng như nhiều nhà đầu tư Việt kiều nói chung đều bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo ông, sau đại dịch, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách quan tâm như thế nào để kêu gọi các nhà đầu tư Việt kiều tiếp tục rót vốn về Việt Nam? Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), ông có nguyện vọng gì cần đề đạt?
Hơn 30 năm qua, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư Việt kiều, nhất là qua Nghị quyết 36. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao đã nỗ lực kết nối, kêu gọi tinh thần yêu nước, đầu tư xây dựng quê hương của Việt kiều. Song trên thực tế, có rất nhiều Việt kiều về nước nhưng họ sẽ làm gì, vào thời điểm nào…, thực sự cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ chính quyền các cấp.
Tôi từng đảm nhiệm nhiều vị trí như Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều (OV Club); Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) trong hai nhiệm kỳ liên tiếp. Hiện tại , tôi tập trung trong vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) do Bộ Kế hoạch Đầu tư là cơ quản chủ quản. Qua đó, tôi chia sẻ kinh nghiệm, tạo môi trường, định hướng chiến lược, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh các sản phẩm, giúp các Việt kiều có mong muốn về cống hiến đầu tư xây dựng đất nước có một sân chơi, một chỗ để dựa và một nơi hỗ trợ thực thi những khả năng, những nguyện vọng của mình. Ví dụ: khi hạ cánh xuống sân bay Việt Nam, họ đã phải rất tự tin rằng mình cần gặp ai, gieo những hạt giống ở đâu, đầu tư sao cho hiệu quả…
Lời khuyên của tôi là: Việt kiều, ngoài tình yêu đất nước, nếu đầu tư tại quê hương thì tốt nhất nên tham gia VAFIE. VAFIE sẽ hỗ trợ tư vấn về chính sách, thủ tục, định hướng về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh… nắm bắt được vấn đề pháp lý đầu tư, cũng như các quy định khác. Từ đó, họ sẽ biết nên làm việc với các Bộ, Ban ngành nào để mọi việc được triển khai nhanh chóng.
Nguyện vọng của tôi là có được một “Cẩm nang hướng dẫn Việt kiều khi về nước đầu tư” bao gồm: danh mục dự án và lĩnh vực nên đầu tư, khả năng tiếp cận nguồn vốn bổ sung, thông tin thị trường, đối thủ cạnh tranh và chuỗi cung ứng, thủ tục hành chính, đối tác gợi ý và các đơn vị tư vấn về từng mảng lĩnh vực khác nhau… Việc này, Ủy ban NNVNONN nên phối kết hợp với các Bộ, ngành, hoặc với VAFIE để thực hiện.
Ông có định hướng và phương án nào tối ưu hơn để các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên kết cùng chung sức xây dựng phát triển đất nước?
Hiện, tôi cũng đang là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam Bắc Australia (NT-VBC), cương vị này giúp tôi kết hợp doanh nghiệp không chỉ của Việt kiều mà cả của nước ngoài từ Bắc Australia nói riêng và Australia nói chung đầu tư về Việt Nam. Đồng thời đưa doanh nghiệp Việt Nam qua hợp tác, đâu tư tại Australia. Tôi làm cầu nối, tạo cơ sở kho bãi, phân phối, kinh doanh… tạo liên doanh hợp tác theo tỉ lệ 7-3, 4-6 hay 6-4, tùy thuộc vào vốn đầu tư và nguyện vọng của mỗi bên.
Gần đây, tôi đang đầu tư hơn 1000 hecta tại ngoại ô Thủ phủ Darwin của Bắc Australia về trang trại bò, cơ sở giết mổ gia súc, nhà xưởng, logistics, kho bãi vật liệu xây dựng, hạ tầng du lịch, trung tâm trưng bày sản phẩm… làm nền tảng để hỗ trợ kết nối hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam và Australia. Đây là mô hình thí điểm, giúp doanh nghiệp trong nước hợp tác với doanh nghiệp kiều bào ở nước sở tại, kiến tạo hệ thống phân phối, thâm nhập thị trường… Mô hình này rất cần được các cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ Việt Nam ở các nước sở tại quan tâm ủng hộ, nghiên cứu và phát huy, nhân rộng nếu thành công.
Trong vai trò Phó Chủ tịch VAFIE, tôi muốn giúp các doanh nghiệp trong nước giao thương, hợp tác đầu tư tại nước ngoài thông qua hệ thống mạng lưới doanh nghiệp kiều bào, bắt đầu với mô hình thí điểm tại Darwin.
Xin cảm ơn ông!
Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ, sinh năm 1950, quê ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được biết đến nhiều trong vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VABIS với hơn 15 công ty có trụ sở tại Việt Nam, Lào và Australia. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), kiêm Trưởng VPĐD TP. Hồ Chí Minh.