VAFIE ra mắt Văn phòng đại diện tại TPHCM: Đẩy mạnh kết nối giao thương và hợp tác đầu tư Việt Nam – Bắc Úc

Bấm vào đây để dowmload Hồ sơ Chiến lược giao thương và hợp tác đầu tư VN – Bắc Úc

Ngày 16 tháng 4 năm 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã tổ chức lễ ra mắt Văn phòng Đại diện tại TP. HCM. VAFIE được thành lập từ năm 2003 dưới sự quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm liên kết, hợp tác không lợi nhuận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, góp phần hỗ trợ xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Sự kiện nhận được sự quan tâm tham dự của nguyên Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, đại diện Lãnh đạo tỉnh, sở ngành các tỉnh của khu vực Tây nguyên, Đông Nam Bộ, TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long, Auscham Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc (NTVBC), các Hiệp hội doanh nghiêp trong và ngoài nước. Ngoài ra, có sự tham dự của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Văn phòng đại diện của VAFIE tại TP. HCM được kỳ vọng sẽ tạo nên cầu nối giao thương giữa đông đảo lực lượng doanh nghiệp và doanh nhân có yếu tố nước ngoài hoặc có ý định đầu tư ra nước ngoài với các nhà hoạch định chính sách. VAFIE cũng đồng thời hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh  tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

Tại lễ ra mắt, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE đã trao quyết định bổ nhiệm trưởng Văn phòng Đại diện VAFIE tại TP. HCM cho ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE – Chủ tịch Tập đoàn Vabis. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư trao giấy chứng nhận cho một số hội viên tiêu biểu.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết cơ cấu tổ chức Văn phòng Đại diện VAFIE tại TP. HCM bao gồm Trưởng Văn phòng Đại diện chịu trách nhiệm chung và cao nhất với Ban thường vụ Hiệp hội, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Văn phòng Đại diện; Ban Cố vấn gồm những nhà hoạch định chính sách lão luyện, có nhiệm vụ phản biện và góp ý về các vấn đề chiến lược và sách lược cho Ban Thường vụ Hiệp hội; ngoài ra còn có Ban Thư ký và Ban Đối tác Tư vấn.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ trình bày Chiến lược giao thường và hợp tác đầu tư Việt nam – Bắc Úc.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ trình bày Chiến lược giao thường và hợp tác đầu tư Việt nam – Bắc Úc.

VAFIE kết hợp với NTVBC nhằm đẩy mạnh hợp tác đầu tư VN – Bắc Úc

Khi nói đến Australia, người ta thường nghĩ đến Canberra, Sydney hay Melbourne, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, về vị trí địa lý chiến lược thì Thủ phủ Darwin của Lãnh thổ Bắc Úc mới là nơi đóng vai trò “độc nhất vô nhị”, là cửa ngõ gần nhất kết nối giữa châu Á và phần còn lại của châu Úc. Trong 20 năm qua, quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam – Australia tăng trưởng trung bình 8,6%/năm, nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng thương mại chung của Australia (5,8%). Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, trong đó có Australia, với Chiến lược giao thương và hợp tác đầu tư Việt Nam – Bắc Úc mà VAFIE đang nhắm đến được xem là một sự cân bằng về lợi ích giữa hai bên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, dư địa của thị trường lao động và đầu tư của Bắc Úc còn rất lớn, nhất là Darwin. Nhu cầu lao động tay nghề cao luôn được ưu tiên và tạo điều kiện làm việc lâu dài. Bắc Úc ngoài việc đang rất thiếu nhân lực tay nghề cao, thì còn có nhu cầu lớn về vật tư và vật liệu xây dựng để phát triển hạ tầng kinh tế, trong khi đây là lợi thế của Việt Nam.

Ông Mỹ cho rằng việc đẩy mạnh giao thương và hợp tác đầu tư Việt Nam – Bắc Úc chính là một sáng kiến cụ thể hóa ở cấp độ địa phương và doanh nghiệp nhằm triển khai Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia vừa được Chính phủ hai nước công bố vào ngày 21/12/2021 vừa qua.

Căn cứ vào các tài liệu chiến lược và kế hoạch mà Chính quyền Bắc Úc đã ban hành trong những năm gần đây, VAFIE đã thống nhất với NTVBC sẽ tập trung vào một số ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Bắc Úc như sau: nông nghiệp và chế biến; xây dựng; du lịch; đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực; … Trong kế hoạch hạ tầng 10 năm của Bắc Úc, tổng ngân sách dự kiến lên đến hơn 50 tỷ đô la đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Việt Nam có thể giúp Bắc Úc giảm thiểu chi phí đầu tư xây dựng qua việc cung cấp các cấu kiện tiền chế và vật liệu. Darwin có lợi thế về giao thông đường biển, hàng hóa từ Việt Nam có thể cập cảng của thành phố này trong vòng 5-6 ngày.

Mr Hanna Jason Mark phát biểu tại sự kiện
Mr Hanna Jason Mark phát biểu tại sự kiện

Theo Mr. Hanna Jason Mark – CEO Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Bắc Úc cho biết, Bắc Úc có văn hóa thổ dân, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều sân golf nên rất thích hợp cho việc tổ chức Tour đánh Golf và Kết nối kinh doanh TP. HCM – Darwin – Sydney như Hội đồng NTVBC và VAFIE đã kên kế hoạch thực hiện thông qua Công ty Du lịch VOTOUR thuộc Tập đoàn  VABIS. Nếu tổ chức charter flight được thì sẽ rất tốt để kết hợp sử dụng được khoang hành lý còn trống cho việc vận chuyển hàng nông sản có giá trị cao và thực phẩm tiêu dùng nhanh 2 chiều.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VABIS (Việt kiều Úc) về Việt Nam đầu tư từ năm 1992, đã có rất nhiều tâm huyết trong việc kết nối giao thương, hợp tác kinh doanh và đầu tư phát triển  giữa Việt Nam và Bắc Úc. Từ năm 2013, ông là người tiên phong thúc đẩy nhập khẩu đàn bò từ Bắc Úc về Việt Nam. Liên tiếp trong các năm từ 2015-2019, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam Bắc – Úc (NTVBC), ông đã làm cầu nối tổ chức nhiều đoàn cho nhiều cơ quan từ Trung ương đến các tỉnh thành của Việt Nam, các doanh nghiệp tham quan, nghiên cứu môi trường và tìm kiếm cơ hội xúc tiến đầu tư, kinh doanh tại thị trường Bắc Úc.

Hình ảnh buổi lễ ra mắt Văn phòng đại diện tại TPHCM

 


Bản tin VTV1 về sự kiện

 


Bản tin VNEWS về sự kiện

 

Các kênh thông tin khác nói về sự kiện: